Trang chủ » Kiến thức

HẢI TẶC BIỂN ĐÔNG

HẢI TẶC BIỂN ĐÔNG

HẢI TẶC BIỂN ĐÔNG
Sơ lược nghiên cứu của PHẠM CÔN SƠN dùng làm thuyết minh tuyến du khảo Hà Tiên – Quần đảo Hải Tặc – (độc quyền của Du lịch 10 RỒNG).

·         Một điểm thám du còn khép kín

Vào Khoảng năm 2000, ông bạn Hứa Văn Sai, một nhà doanh nghiệp ngành dịch vụ du lịch ở đất Hà Tiên, chủ nhân 2 khách sạn tầm cỡ và một nhà hàng có đủ sức chứa và phục vụ ăn uống, hội thảo cho khoảng 1.000 du khách ở thị xã biên cương vùng biển cuối đường đất nước, mang cùng tên là Hải Vân, đã từng bộc bạch với người viết bài này:

-    Đến Hà Tiên mà không đến hay chưa biết về quần đảo Hải Tặc là chưa hiểu về vùng đất Hà Tiên thơ mộng này?

Là người nghiên cứu văn hóa lịch sử dân tộc, tôi rất hiểu rõ thâm ý của một nhà doanh nghiệp cố cựu, vốn là hậu duệ xa đời của một nhánh dòng tộc từng góp phần khai mở vùng đất Mang Khảm – Phương Thành xưa mà nay là xứ thơ Hà Tiên, vùng đất được coi là mở mang ngành thương mại du lịch khá sớm của đất nước ta từ khoảng 300-400 năm trước (dưới thời Mạc Cửu – Mạc Thiên Tích).

Cho tới nay, vùng đất này vẫn còn đượm vẻ kỳ bí, hấp dẫn những công trình tham cứu văn hóa lịch sử, có thể nảy sinh vài điểm quan niệm trái chiều nhau. Trong quần chúng, sự hiểu biết về một số địa danh, tên gọi dân gian vẫn còn quá hạn chế đến mức gây nhiều thắc mắc cho du khách đến từ phương xa. Thí dụ: Quần đảo Hải Tặc như thế nào, do đâu mà có cái tên nghe ra “cũng kinh khủng” lắm ở cuối đường đất nước có hình dạng chữ S hiền hòa này. Cũng như vì sao có tên “đồi Pháo đài” ở một cửa biển tồn tại có lẽ lâu năm nhất ở nước ta qua bao nhiêu triều đại, thời kỳ mà nay cũng còn hiện diện để trấn giữ an bình vùng đất và sinh sống cho nhân dân Hà Tiên.

Hai tên gọi này có vẽ mạnh mẽ, rất ấn tượng trong tâm tưởng của tất cả mọi người đến với Hà Tiên và có gì liên quan với nhau?

Ngày nay, tất cả mọi người đều có thể lên tham quan ngắm cảnh biển ở trên “đồi Pháo đài” để nhìn về phía trái là cầu đúc hiện đại mới xây sát cửa biển Tô Châu rất ngoạn mục với vẻ mỹ miều, còn bên phải là 2 khu du lịch Mũi Nai, xưa kia, khu này là một thôn cư của giới ngư phủ cận bờ, Mạc Thiên Tích đã từng vịnh, trong “Hà Tiên thập vịnh”, một bài thờ có câu kết với ý nghĩa thật đơn giãn, hữu lý mà các thế hệ sau ở Hà Tiên đều tâm đắc. Nhà thơ, giáo sư Đông Hồ, thi nhân nổi danh gốc Hà Tiên đã diễn Nôm như sau:

Lâm lộc ai rằng thú chẳng thanh

Nửa kề nước biếc, nửa non xanh

Duỗi co chẳng túng kiền khôn hẹp

Cúi ngữa  vì tuân đức giáo lành

Lưu loát hưởng dư nhân nước thạnh

Ê hề sẵn có của trời dành

Đâu no thì đó là an lạc

Lựa phải chen chân chốn thị thành.

Hai câu cuối đã vẽ ra cảnh sống ấm no, an nhàn thư thái của người dân miền biển mà ai nghe hiểu được đều vui thích tán đồng, chấp nhận cuộc sống bình dị, không bon chen của người dân cư trú ở đất ven biển Mũi Nai. Bài thơ ấy có tựa đề là Lộc Trĩ thôn cư, theo Hán ngữ, có nghĩa là thôn xóm cư dân ở Mũi Nai (Lộc: con nai, trĩ: cái mũi). Mũi Nai là tên dân gian, do các thuyền nhân, ngư phủ ngày xưa đặt ra để chỉ điểm một đảo nhỏ, nếu nhìn từ ngoài biển khơi vào, trông giống như cái mũi nghếch của con nai (theo tập quán dân gian thấy mặt đặt tên). Cái đảo nhỏ ấy, ngày nay đã dính vào đất liền do phù sa bồi đắp một phần, phần khác cũng do người Hà Tiên từ lâu đắp thêm đất cho dính vào đất liền để nối dài con đường ven sông mang tên Trần Hầu ra tận cửa biển Tô Châu.

Trên đảo, nay là đồi cao có bố trí cơ quan bảo vệ mặt biển qua nhiều thời kỳ liên tục. Khởi đầu vào thời Mạc Cữu khai sáng đất Hà Tiên (thời Chúa Nguyễn, thế kỷ 17) nơi đỉnh đảo có đặt đài quan sát tiền tiêu để phòng bị giặc cướp biển và quân Xiêm xâm lược. Từ thế kỷ 18, 19, giặc cướp và quân xâm lược làm lộng vùng biển Rạch Giá và vịnh Xiêm-la (vịnh Thái-lan), đài quan sát tiền tiêu được triều Chúa và các vua Nguyễn, cùng quân Pháp trang bị các loại trọng pháo để phòng ngự, nên gọi là Pháo đài. Ngày nay, nơi đó tuy vẫn còn gọi là đồi Pháo đài nhưng được trang bị cơ sở trọng yếu của lực lượng Biên phòng ở cuối đường đất nước… Nơi đây, vẫn có nhiệm vụ quan yếu là bảo vệ ranh giới lãnh hải của nước ta, bảo vệ ngư dân trước mọi hành động uy hiếp của cướp biển vẫn còn thỉnh thoảng lộng hành và kể cả việc ứng phó cứu nguy biển cho các thuyền nhân, trong tất cả hiện tượng thời tiết bất thường trên biển như tai nạn, trong mùa gió Chướng và động Nam, bão tố…

Đồi Pháo đài còn là điểm du ngoạn lý thú, vì nơi đó có trang bị cơ sở dịch vụ nghỉ dưỡng gồm có khách sạn và nhà hàng ăn uống cao cấp.

Đến đây rất dễ, nhưng du khách muốn đến du khảo quần đảo Hải Tặc không mấy được thuận lợi do bị hạn chế nhiều mặt, dù rằng Nhà nước ta đã có dự án quy hoạch quần đảo Hải Tặc là khu du lịch đặc thù của tỉnh Kiên Giang và vùng biển Hà Tiên từ khoảng 20 năm qua…

Đã từ lâu, tên quần đảo này lan rộng ra ngoài thế giới. Người ta thắc mắc: nơi đó, cướp biển đã từng hùng cứ bao trăm năm? Có thêm nghi vấn: Cướp biển đã chôn giấu kho tàng ở tại quần đảo này từ nhiều thế kỷ trước? Bọn cướp biển gồm những thành phần nào? Vùng biển Rạch Giá Hà Tiên có đến 105 hòn đảo thuộc chủ quyền nước ta, chiếm một phần lớn lãnh hải trong vùng vịnh Thái-lan, chia ra nhiều quần đảo như quần đảo Phú Quốc, quần đảo An Thới, quần đảo Nam Du, thậm chí cả quần đảo Thổ Châu (Chu) trong vịnh Thái-lan (thuộc tỉnh Kiên Giang ngày nay), có thể coi là công trình khám phá chiếm ngụ của những thuyền nhân quả cảm Quảng Tín, Quảng Nam xưa đã vượt vạn dặm trùng khơi, giữa gió bão hãi hùng để khai phá các hoang đảo ấy, trong trào lưu Nam tiến kéo dài hàng bao thế kỷ qua, vậy mà bọn cướp biển lại có thể ẩn náu tại một số đảo ở sát cạnh Hà Tiên từ nhiều trăm năm trước?

Câu hỏi trước tiên cần phải chú ý trước nhất: Chúng từ đâu đến, vào thời kỳ nào?

·         “Thế giới cướp biển”

Hơn ngàn năm trước, kể từ khi loài người thuộc các lãnh thổ đế chế có đủ sức lực đóng thuyền lớn vượt đại dương, tìm đất mới để buôn bán và thôn tính những vùng nhiều tiềm năng thì đã có xuất hiện theo sau những nhóm cướp biển. Phần lớn những nhóm này là thổ dân các hải đảo hay những vùng đất ven biển có nhiều kinh nghiệm và sức khỏe để ra khơi.

Quan niệm xưa kia, chia cướp biển ra làm 2 thành phần:

1-      Hải tặc: Thành phần cướp biển đông người có tổ chức, có thuyền chiến bằng gỗ trang bị vũ khí, chiến đấu hung tợn, thường hùng cứ ở những quần đảo hoang vu, hiểm trở.

2-      Hải khấu: Thành phần cướp biển ít người, rời rạc, chiến đấu  theo kiểu chụp giựt, thường không trú đóng ở một vùng biển nào nhất định (cũng giống như thảo khấu ở những xó rừng hoang vắng, dân gian gọi là “giặc cỏ”.

Trên hoàn vũ, từ khá xa xưa, có 3 nhóm hải tặc đáng chú ý.

Nhóm 1: Ở châu Âu, khu vực Bắc Đại Tây dương, tập đoàn Vikings có khả năng đóng thuyền chiến bằng gỗ, nhiều cột buồm lớn nhờ sức gió lướt nhanh khắp cả đại dương, nhưng từ thế kỷ 19, 20, nhóm Vikings này được những nhà nghiên cứu  thừa nhận chẳng phải là hải tặc thuần túy mà là các chiến binh dũng cảm trên đại dương của đất nước Na-uy (Norway).

Nhóm 2: Phía Nam châu Âu và mặt Bắc châu Phi, ở khu vực Địa Trung hải (Mer Méditerranée), có nhóm hùng cứ tại đảo Corse của Pháp, gọi là Corsaire có nghĩa là thảo khấu ở đảo Corse (thật ra ý nghĩa đúng của Corsaire là… người dân sinh sống ở trên đảo Corse, vì tiên khởi người dân xưa sinh sống ở trên đảo này rất hiền lành.

Nhóm 3: Tại châu Á, từ thế kỷ 15, ở khu vực bờ biển phía Đông Ấn Độ dương đã xuất hiện nhiều nhóm hải khấu hoạt động lẻn lút từ Bắc xuống Nam bán đảo Mã-lai, gồm có người Miến-điện, Xiêm-la, đảo Tích-lan (Ceylan-Srilanca ngày nay), một số sắc tộc Mã-lai, đảo Java, đảo Sumatra. Những vụ cướp bóc sôi nổi, thường xuyên nhất ở vùng eo biển Malacca (Tây Nam bán đảo Mã-lai và 2 đảo Java và Sumatra).

Từ khi 2 đến quốc Anh và Hà-lan cùng thành lập, mỗi đế quốc một công ty thương mại (thực chất là công ty mở đường thôn tính thuộc địa) mang tên Đông Ấn, tranh chấp đến mức sát hại lẫn nhau thì nạn hải khấu hoành hành cũng theo cơ hội phát triển mạnh ở vùng biển Malacca này.

Năm 1815, đế quốc Anh thành lập một hải cảng mới, với sự hợp tác của người Trung Hoa, rời bỏ lục địa vì chống lại nhà Mãn Thanh, tức là người Minh Hương, tại đảo Singapura (tiếng Mã-lai: singa là sư tử, pura là đảo, do truyền thuyết từ xa xưa tại đảo này có loài sư tử sinh sống), người Anh gọi là Singapore, người Pháp viết là Singapour, còn người Hoa gọi là Tân Gia Ba, có nghĩa là “ngôi nhà mới trên sóng biển”.

Giữa phần đất cực Nam của bán đảo Mã-lai với đảo Singapura là một thủy lộ khá thuận lợi cho thương thuyền từ châu Âu, Ấn-độ dương các nước qua lại giữa hai đại dương Thái Bình và Ấn-độ, nhưng gần và đắc lợi nhất là biển Đông. Tại vùng biển này, chẳng bao lâu các tuyến hải trình nối liền từ Đông Bắc Á, xuống Đông Nam Á, kéo dài tới châu Úc và cả 2 đại dương được hình thành, trở nên hệ trọng cho tới ngày nay.

Thương thuyền các nước đắc lợi thì các nhóm hải khấu ở vùng biển Malacca có nhiều cơ hội “ăn theo” và tổ chức thành những đám hải tặc đáng gờm. Chúng lẻn lút qua vùng biển Đông, kết hợp với đám hải khấu quần đảo Borneo, các đảo Mã-lai ở phía Đông, với người Xiêm và Kambuja (sách xưa nước ta gọi là Chân Lập, người Pháp phiên âm là Cambodge và người Anh gọi là Cambodia) ở các đảo thuộc vịnh Xiêm-la (vịnh Thái-lan ngày nay).

Vịnh Xiêm-la đã trở thành “hang ổ hải tặc” ở đường biển phía Đông châu Á, thường xuyên đe dọa tuyến đường hàng hải một thời được mệnh danh là “đường tơ lụa trên biển” từ nhiều thế kỷ trước.

Có lẽ cũng cần phải lưu ý tới một vài sự kiện kể sau:

Trên con đường huyết mạch này, từ ngàn năm trước, nước ta có nhiều thị trường sầm uất rất hấp dẫn. Chẳng những có nhiều thương thuyền từ châu Âu, Trung Đông tới giao dịch bán buôn mà còn có những thương buôn tầm cỡ đến từ đất nước Trung Hoa và Nhật-bổn đến mua các sản vật quý.

Một sự kiện bên ngoài giao thương buôn bán, nhưng lại là chứng tích về tầm quan yếu của tuyến “đường tơ lụa trên biển” này và cũng chứng tỏ tuyến hàng hải ở biển Đông được biết đến và được xác lập từ khoảng 8 thế kỷ trước, với hải trình của nhà thám hiểm Ý, nổi danh có tên là Marco Polo.

Vào năm 1271, mới 17 tuổi, Marco Polo theo cha là Maffeo Polo (cùng với người bạn của Maffeo là Niccolo) khởi hành từ Venice, nước Ý đi tới Trung Hoa, theo đường từ châu Âu đến Palestine, Ba-tư vùng Trung Á, băng qua sa mạc Gobi của Mông Cổ, sau cùng đặt chân lên đất Trung Hoa vào năm 1274. Marco Polo ở lại đây vào khoảng 17 năm, giúp triều đình Nguyên Mông, được phong quan chức. Khi đến bằng đường bộ, nhưng khi về cả gia đình Marco Polo được triều đình nhà Nguyên cấp thuyền để vượt biển suốt chiều dài của biển Đông và dọc sát theo lãnh hải của nước ta. Nhưng tới khoảng Nam bộ ngày nay thì đoàn thuyền chở đầy ấp hàng hóa và sản vật Á Đông gặp bão. Theo lịch sử Côn Đảo, đoàn thuyền của Marco Polo vào quần đảo này để lánh nạn, nhưng cũng bị chìm mất 8 chiếc. Marco Polo về tới nước Ý vào năm 1295.

Hải trình này trở thành tiền đề của hải lưu trên biển Đông của giới thương thuyền Âu Á, kể cả các thế hệ phe nhóm hải tặc, hải khấu vào các thế kỷ tiếp theo, từ thế kỷ 16 đến 20, ở vùng vịnh Xiêm-la.

·         “Cướp biển như… rươi”

Đó là cách nói của các thuyền nhân xuôi ngược tuyến đường vận tãi biển Quảng Nam – Hà Tiên, kể từ thế kỷ thứ 17.

Khởi đầu, do hải cảng Đại Chiêm (tức Cửa Đại – Hội An) thu thút nhiều tàu biển thương buôn các nước châu Âu và Trung Á, Trung Hoa, Nhật-bổn tới lui mua bán dập dìu, kế đến là Nông Nại Đại Phố (có nghĩa là chợ đầu mối, vựa trữ các loại nông sản để bán buôn; nông: sản vật nông nghiệp; nại: vại, vựa, chành; đại phố: chợ lớn, chợ đầu mối) tại một cù lao trên sông Biên Hòa, này nay, gọi gọn là cù lao Phố; và thương cảng Hà Tiên nổi lên từ đầu thế kỷ 17, dịch vụ thương nghiệp buôn bán với các thương thuyền nước ngoài và nội xứ rất phồn thịnh, vịnh Xiêm-la trở thành sào huyệt của các toán cướp biển mang tâm vóc quốc tế. Những nhóm hải khấu cũng trở nên táo tợn nhiều khi tấn kích cướp bóc một số nơi trên đất liền, miền duyên hải Nam bộ, từ Bến Tre, Trà Vinh, tới mũi Cà Mau và Rạch Giá, Hà Tiên (Dòng sông Cổ Chiên là dấu tích ở Bến Tre và Trà Vinh: Cổ là cái trống lớn, trống cái; chiên là cái chiêng, là 2 vật truyền thông cổ xưa, có tiếng lớn vang xa, dùng gióng lên liên hồi (dồn dập) báo nguy khẩn cấp khi người ta gặp nạn lớn, cướp bóc để xin tiếp ứng, tiếp cứu của các làng xã lân cận).

Ngoài biển, bọn hải tặc đánh cướp các tàu buôn Trung Hoa và Trung Đông, châu Âu. Nhóm này bao gồm cả người Bồ-Đà (đảo Java) như tên Vinh-Ly-Vinh-Lư, người Châp Lạp tên Ốc-Nha Kê hội nhau đến 800 tên, xử dụng 15 chiến thuyền đánh cướp Hà Tiên bằng đường biển và đường bộ vào mùa thu năm Canh Dần (1770) nhưng đã bị Mạc Thiên Tích đánh tan, bắt được Lư và Kê đem chém.

Bọn cướp biển cũng không tha thương thuyền của vua Xiêm phái đi buôn bán ở tỉnh Quảng Đông, Trung Hoa, khiến vua Xiêm lúc bấy giờ là Phya Taksin (gốc người Triều Châu, tỉnh Quảng Đông tên là Trịnh Quốc Anh, cũng còn gọi là Trịnh Yến hay Trịnh Tân, phiên âm tiếng Xiêm là Taksin; sin có nghĩa là Tân); khiến cho có sự hiểu lầm lấn cấn của vua Xiêm với chúa Nguyễn Ánh, gây nên bất hòa sâu sắc…

Thời bấy giờ, cả vùng biển Hà Tiên, bao gồm cả khu vực đất liền từ Rạch Giá đến mũi Cà Mau, cướp biển nổi lên như… rươi.

·         Tình hình cuối thế kỷ 20

Hiện tượng vượt biên bằng đường biển vào cuối thập niên 1970 tới 1990 của những đoàn người rời bỏ quê hương đất Việt đã hằn lên vết thương rướm máu do sự lộng hành cướp bóc, tàn sát, hiếp dâm của các nhóm thủy khấu, hải tặc vùng vịnh Thái-lan. Một số nhóm khác nổi lên chận đường cướp của ở phía Bắc vùng quần đảo Borneo.

Chúng chẳng những cướp của, hiếp dâm, bắt cóc phụ nữ di tản, còn đánh đắm những tàu vượt biên chở đoàn người chống cự lại chúng, hoặc cướp những tàu thuyền còn mới, mã lực mạnh để xử dụng về sau.

Trong số hàng trăm ngàn nạn nhân, có cả gia đình một Hải quân đại tá họ Hà, Giám đốc thương cảng Sàigòn của chế độ VNCH, bị hải tặc tàn sát trọn vẹn bằng cách cho nổ chìm chiếc tàu vượt biển, sau khi đánh đập, bắn giết, hãm hiếp và tóm thâu của cải của mọi người trên tàu, vào khoảng cuối thập niên 1980.

·         Quần đảo Hải Tặc và dư âm

Từ nhiều thập niên của thế kỷ trước, quần đảo Hải Tặc là nơi có nhiều đồn đoán, ngoài tính cách là một vùng đảo có hải tặc ẩn trú, còn là nơi chôn giấu những kho tang tích lủy hàng trăm năm do chúng cướp được của các thương thuyền nước ngoài. Có tin trước đây, nhiều lần các đoàn thám hiểm nước Anh đã tới nghiên cứu, tìm kiếm nhưng không tìm thấy dấu vết của các kho tàng trên các đảo ấy.

Tuy nhiên, cách đây khoảng 4 năm, thông tin báo chí cho hay một số ngư dân quanh đảo bắt được một số tiền cổ rải rác ở các bãi cát quanh đảo. Không có nhiều tin cụ thể rõ ràng được phổ biến tiếp theo.

Ngày 23 tháng 3 năm 2003, trên chiếc tàu đò bằng gỗ vượt tuyến Hà Tiên, theo ngã Rạch Tràm, Gành Dầu, khi qua vùng đảo Hải Tặc, Thượng úy Thiểu, thuộc Biên phòng Hà Tiên, trú đống trên Pháo Đài, Mũi Nai mặc thường phục làm hoa tiêu hướng dẫn hải trình để tránh trước những đột biến trên ranh giới lãnh hải với nước bạn đã nói với người viết bài này rằng tình hình an ninh cần phải dè dặt. Không thể lên một số đảo vì có người Khme Việt – Camphuchia sinh sống lẫn lộn bằng nghề đánh bắt hải sản. Ngoài khơi trong vịnh Thái-lan, thỉnh thoảng có hải tặc chận tàu cá của ta, lục soát và đòi tiền đô-la.

Làm gì mà tàu cá ngư dân vùng biển Rạch Giá – Hà Tiên có đô-la Mỹ? Sau đó, mới biết rằng, tàu ngư nghiệp của ta đánh bắt ngoài khơi được thương lái Thái-lan liên lạc thu mua hải sản, có lẽ vì đó, hải tặc mới chận xét tìm tiền đô-la do ngư dân ta mới thu vào sau khi bán xong?!

Các bản tin liên quan :
Học Tiếng Việt Qua Trò Chơi Hội Chợ